Vì sao chọn ngày 13/3? Chúng tôi đặt câu hỏi với ông Đinh Thái Hương- Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), là người chịu trách nhiệm đề nghị chọn ngày truyền thống ngành Xăng dầu Việt Nam. Ông Hương cho biết, vì Petrolimex là doanh nghiệp nhà nước chủ đạo trong ngành xăng dầu Việt Nam nên được Chính phủ giao trọng trách nghiên cứu, chọn và đề nghị “ngày truyền thống ngành xăng dầu”. Đây không chỉ là ngày truyền thống của Petrolimex hay Công ty Xăng dầu khu vực 3 mà còn là ngày truyền thống của Ngành Xăng dầu Việt Nam nói chung. Qua tìm hiểu, nghiên cứu những dự kiện lịch sử cho thấy, ngay từ năm 1858 khi quân đội Pháp đánh phá Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến xâm lược Việt Nam, ngành xăng dầu là một trong những ngành xuất hiện sớm nhất khi văn minh phương Tây có mặt ở Việt Nam: đó là nghề khai mỏ, xi măng, trồng cao su, dệt vải hỏa xa và xăng dầu. Từ năm 1898, tư bản xăng dầu phương Tây đã đến cảng Nhà Bè, cảng Hải Phòng đã lựa chọn đặt tổng kho tại Nhà Bè (Sài Gòn) và Thượng Lý (Hải Phòng). Sự có mặt của các hãng dầu Shell, Caltex, Esso đã xuất hiện thế hệ công nhân xăng dầu đầu tiên ở Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ dưới thời Pháp thuộc, công nhân xăng dầu phải làm việc trong điều kiện lao động hết sức vất vả, khắc nghiệt và nguy hiểm; họ thường xuyên bị đánh đập, cúp phạt tiền lương và đe dọa sa thải. Đội ngũ này bước đầu có ý thức giai cấp và dân tộc, vì vậy những người cộng sản đã cử cán bộ ưu tú đến với công nhân xăng dầu (ở ngoài Bắc, các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Lương Khánh Thiện, Nguyễn Cộng Hòa đã đến với Sở Dầu Thượng Lý; ở trong Nam, các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương làm thợ Hãng dầu Nhà Bè). Từ khi có hoạt động của những người cộng sản và tổ chức Đảng, tại Kho dầu Thượng Lý và Nhà Bè luôn nổ ra các cuộc đấu tranh của công nhân xăng dầu. Tiêu biểu là ngày 13/3/1928, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh- Chủ tịch Công hội đỏ, Bí thư Đảng bộ Hải Phòng đầu tiên; đồng chí Lương Khánh Thiện Bí thư Liên khu B; đồng chí Nguyễn Cộng Hòa, công nhân Sở Dầu sau này là Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thanh Bình, công nhân Sở Dầu sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và nhiều đồng chí khác đã lãnh đạo cuộc bãi công của 422 trong số 500 công nhân Sở Dầu Thượng Lý chống lại chủ sở, đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Cuộc bãi công thắng lợi và được xem như một dấu son mở đầu truyền thống bất khuất của công nhân xăng dầu. Cuộc đấu tranh của công nhân Sở Dầu Thượng Lý có tiếng vang lớn khẳng định vai trò tam giác công nghiệp (Xi măng- Cảng- Sở Dầu) ở Hải Phòng, một trung tâm của phong trào công nhân Việt Nam khi đó. Bức vẽ miêu tả hình ảnh bãi công ngày 13/3/1928 của công nhân Sở Dầu Ôn lại kỷ niệm truyền thống ngành xăng dầu Dấu ấn lịch sử này còn ghi lại trong các cuốn “lịch sử Đảng bộ Hải Phòng”, cuốn “Phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam”… Ông Hương cũng cho biết, có ý kiến đề nghị lấy ngày 29/7/1955- ngày đồng chí Đỗ Mười, Chủ tịch UB quân chính thành phố Hải Phòng (nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam), ký lệnh trưng thu Sở Dầu Thượng Lý (dấu mốc quan trọng cho sự ra đời ngành xăng dầu Việt Nam và ngày thành lập Công ty Xăng dầu khu vực III) là ngày truyền thống. Tuy nhiên, xét thấy ý nghĩa của ngày 13/3/1928 là ngày mở đầu, là ngọn lửa nhen nhóm phong trào, ý chí cách mạng trong giai cấp công nhân Ngành Xăng dầu, truyền lửa cho những thế hệ sau liên tiếp giành thắng lợi trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc Pháp và Mỹ nên Chính phủ quyết định chọn ngày 13/3 là “Ngày truyền thống Ngành Xăng dầu Việt Nam”. Sở Dầu xưa- Thượng Lý nay Bác Đào Công Phong- Nguyên Bí thư Đảng ủy, trưởng phòng tổ chức Công ty Xăng dầu khu vực 3- nhớ lại: Tôi vào làm công xăng dầu từ 1958, dù không chứng kiến nhưng được mọi người kể lại, khi giặc Pháp rút lui, chúng định dỡ kho bể ở Thượng Lý, nhưng công nhân ở đây đã kiên quyết không để chúng phá dỡ. Tuy nhiên, cơ sở vật chất kho bể Pháp để lại rất nghèo nàn, lạc hậu, dụng cụ làm việc thô sơ, công nhân phải dùng tay vần từng phuy dầu mỡ rồi đưa vào xe goòng đẩy, bơm cũng dùng sức người, cẩu thì rất nhỏ, chúng tôi gọi đùa là “cẩu thiếu nhi”. Sau khi Cách mạng tiếp quản Hải Phòng, dân đến đăng ký lao động rất nhiều, nhưng nếu nói là làm ở Sở Dầu thì ai cũng lắc đầu vì công nhân ở đây rất cực nhọc. Vì thế, nhiều người trong ngành phải vận động con em vào xăng dầu để giữ truyền thống cha ông. Sau chiến tranh chống thực dân Pháp, năm 1956, khi tiếp quản, Tổng công ty Xăng dầu đã nhanh chóng khôi phục lại Sở Dầu. Nhưng rồi tiếp đến cuộc chiến chống giặc Mỹ. Khi đó, xăng dầu đi đến đâu giặc Mỹ thả bom đánh theo đó. Sở Dầu cũng là địa điểm ném bóm ác liệt. Ông Nguyễn Anh Tam- Nguyên Chủ tịch Công đoàn công ty- kể: Ngày 29/6/1966, khi giặc Mỹ ném bom xuống Sở Dầu, một số bể xăng dầu bị mảnh bom xuyên thủng, anh em phải dùng gỗ tròn vót nhọn bịt lỗ thủng lại. Nhiều người bị xăng xối vào người, khi bén lửa phải nhảy xuống hồ nước, tắt lửa lại lao vào cứu bể. Lúc đó, người đằng trước cầm vòi phun bọt vào đám cháy bị nóng rát thì người sau lại phun nước vào người trước, cứ thế, người sau nữa lại phun nước cho người phía trước. Gian khổ là thế nhưng chúng tôi không bỏ kho bể. Trận đó, anh Nguyễn Văn Mậu- công nhân Sở Dầu đã ngã xuống.
Cửa hàng xăng dầu Thượng Lý- cửa hàng đạt năng suất cao Nhà máy sản xuất hóa chất của Công ty TNHH Hóa chất PTN (Petrolimex) Khu vực sản xuất gas Petrolimex Sản xuất dầu mỡ nhờn Hôm nay, khi đặt chân lên Tổng kho xăng dầu Thượng Lý (thuộc Công ty Xăng dầu khu vực III)- địa chỉ đỏ của Ngành Xăng dầu- chúng tôi chứng kiến một khu vực kho bể rộng lớn hiện đại, sạch sẽ, đầy cây xanh như một khu công viên, với hàng loạt bể xăng dầu sáng loáng, mỗi bể chứa hàng chục ngàn mét khối; hệ thống xuất nhập, bơm rót hoàn toàn tự động. Bến cảng Thượng Lý ngày nay có thể nhập tàu dầu trọng tải 4-5 ngàn tấn. Bên cạnh đó là khu vực nhà máy sản xuất dầu mỡ nhờn, nhà máy sản xuất sản phẩm hóa chất, nhà máy chiết nạp gas của Petrolimex. Ông Trần Minh Đức- Giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực 3 hiện nay- tự hào nói: Chúng tôi vui mừng khi Nhà nước chọn ngày 13/3 là ngày truyền thống của ngành, vì đây cũng chính là ngày truyền thống của công ty chúng tôi. Tôi tự hào được đứng trong đội ngũ trí thức một trong những ngành công nghệ quan trọng bậc nhất của nền công nghiệp tiên tiến, ở một đơn vị là cái nôi của ngành xăng dầu Việt Nam. Giám đốc Trần Minh Đức cho biết: Các thế hệ CBVN lao động công ty đã nêu cao truyền thống công nhân Sở Dầu, gìn giữ và xây dựng công ty ngày càng phát triển. Hiện nay, ngoài hệ thống kho, bể, cầu cảng… hiện đại xuất nhập gần 1 triệu tấn, m3 xăng dầu/năm, Công ty Xăng dầu khu vực 3 còn phát triển một hệ thống gồm 40 cửa hàng bán lẻ hiện đại, 80 cửa hàng đại lý, hoạt động với năng suất cao, chiếm 55- 60% thị phần bán lẻ tại Hải Phòng. Ngoài lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, công ty còn phát triển dịch vụ kho, cảng, kinh doanh sản phẩm dầu mỡ nhờn, gas, bảo hiểm… Petrolimex- trụ cột Ngành Xăng dầu Việt Nam Từ hai Tổng kho Thượng Lý và Nhà Bè, hiện nay, Ngành Xăng dầu Việt Nam phát triển rất lớn mạnh với hơn chục công ty đầu mối nhập khẩu xăng dầu, nhiều cầu cảng, tàu chở dầu, kho bể, mạng lưới cửa hàng hiện đại rộng khắp, nhưng Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)- đơn vị chiếm 55% thị phần vẫn là doanh nghiệp chủ đạo, trụ cột của ngành xăng dầu. Ngày 12/1/1956, Bộ Thương nghiệp đã ban hành Quyết định số 09/BTN thành lập Tổng công ty Xăng dầu mỡ- tiền thân của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam ngày nay. Cùng với tiếp quản, khôi phục Sở Dầu Thượng Lý, Tổng công ty đã khẩn trương tiến hành xây dựng các kho mới ở Đức Giang, Bến Thủy, Việt Trì, Nam Định và Bắc Giang để phục vụ kịp thời nhu cầu xăng dầu của các khu công nghiệp và các vùng kinh tế quan trọng, sau đó mở rộng hoạt động cung cấp xăng dầu trong phạm vi toàn miền Bắc. Từ năm 1976, Tổng công ty bắt tay khôi phục các cơ sở xăng dầu bị tàn phá do máy bay Mỹ ném bom ở miền Bắc, tiếp quản các cơ sở xăng dầu và tổ chức mạng lưới cung ứng xăng dầu ở các tỉnh phía Nam. Vừa ra khỏi chiến tranh kéo dài mà hậu quả chưa thể khắc phục được ngay, kinh tế đất nước gặp rất nhiều khó khăn, nhưng năm 1978- 1979, nước ta lại phải đối phó với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Vượt lên trên tất cả, khắc phục những khó khăn, tập thể cán bộ, CNVC-LĐ Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ, cung cấp đầy đủ, kịp thời nhu cầu xăng dầu cho sản xuất, quốc phòng và đời sống nhân dân đáp ứng yêu cầu hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước góp phần quan trọng vào chiến công chung của cả dân tộc ta trong cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Từ năm 1986 đến nay, Petrolimex thực hiện chiến lược đổi mới và phát triển theo đường lối của Đảng và Nhà nước, từng bước chuyển hoạt động kinh doanh xăng dầu sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Petrolimex đồng thời thực hiện đổi mới trên 3 phương diện: cơ cấu tổ chức bộ máy; phương thức, giá cả, tổ chức kinh doanh; đào tạo phát triển nguồn nhân lực, công nghệ thông tin. Chủ động tổ chức, điều hành toàn bộ quá trình kinh doanh xăng dầu từ khâu nhập khẩu, tiếp nhận, vận tải, cải tiến phương thức và mở rộng mạng lưới kinh doanh, bán hàng tới người tiêu dùng. Chuyển từ cơ chế bao cấp sang hạch toán kinh doanh, từ đơn vị chỉ có nhiệm vụ thuần túy là tiếp nhận, bảo quản và cấp phát xăng dầu theo lệnh sang một doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đảm bảo nhu cầu xăng dầu của toàn xã hội, chỉ đạo, điều tiết và ổn định giá xăng dầu, Petrolimex đã không ngừng trưởng thành và phát triển. Nhất quán tư tưởng chiến lược xây dựng Petrolimex thành Tập đoàn kinh tế mạnh và bền vững, thực hiện tốt Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Petrolimex luôn chủ động phát huy vai trò chủ đạo, đảm bảo bình ổn thị trường xăng dầu; tái cấu trúc, cổ phần hóa và tiến tới hình thành Tập đoàn Xăng dầu quốc gia đa sở hữu, phát triển mạnh và bền vững trong thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Đến nay, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và màng lưới kinh doanh xăng dầu phủ kín trên địa bàn cả nước, là doanh nghiệp xếp hạng đặc biệt, tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực cung cấp xăng dầu, các sản phẩm hoá dầu cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, tiêu dùng xã hội và tham gia bình ổn thị trường xăng dầu nội địa, góp phần đắc lực cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Có thể nói, trải qua hơn 120 năm có mặt ở Việt Nam, dấu ấn lịch sử hoạt động Ngành Xăng dầu Việt Nam mà điểm nhấn đậm nét là cuộc bãi công của công nhân Sở Dầu Thượng Lý (Hải Phòng) ngày 13/3/1928 và là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, chính trị tiêu biểu của các thế hệ công nhân xăng dầu. |
10:57 SA @ Thứ Năm - 03 Tháng Mười Một, 2011